Hướng dẫn lập kế hoạch chăm sóc trẻ tiêu chảy cấp chi tiết

Trẻ bị tay chân miệng có tắm được không?

Tiêu chảy cấp là một tình trạng thường thấy ở trẻ nhỏ. Nguyên nhân của bệnh có thể bao gồm nhiều yếu tố, dẫn đến tình trạng mất nước ở trẻ. Nếu không nhanh chóng xử trí thì trẻ sẽ có nguy cơ đối mặt với những biến chứng vô cùng khó lường. Cùng Lifebuoy tìm hiểu cách lập kế hoạch chăm sóc trẻ tiêu chảy cấp và các biện pháp phòng ngừa bệnh ngay trong bài viết dưới đây.

Xem thêm:

Tiêu chảy cấp ở trẻ em và nguyên nhân

Tiêu chảy là hiện tượng gia tăng đột ngột lượng chất lỏng trong phân, dẫn đến tình trạng đi ngoài ít nhất 3 lần trong vòng 24 giờ. Tiêu chảy cấp là trạng thái tiêu chảy khởi đầu cấp tính, xuất hiện một cách bất thình lình và kéo dài trong khoảng thời gian không quá 14 ngày.

Tiêu chảy cấp ở trẻ nhỏ thường do virus gây ra, bao gồm Rotavirus, Adenovirus và Norwalkvirus. Bên cạnh đó, nguyên nhân khác cũng có thể xuất phát từ nhiễm trùng ruột như E.coli, lỵ trực khuẩn, thương hàn và Campylobacter Jejuni. Nhiễm trùng ngoại ruột như viêm đường hô hấp, tiết niệu, viêm tai giữa và viêm màng não cũng có thể dẫn đến tình trạng tiêu chảy.

Ngoài ra, tiêu chảy cấp ở trẻ cũng có thể là do tác dụng phụ của một số loại thuốc như thuốc nhuận tràng, thuốc kháng sinh. Một số nguyên nhân như viêm ruột thừa cấp, rối loạn hấp thu, suy giảm miễn dịch,... cũng có thể dẫn đến tình trạng này.

Xem thêm: Hướng dẫn chăm sóc trẻ tay chân miệng đúng cách

Virus là nguyên nhân thường thấy dẫn đến tiêu chảy cấp ở trẻ em

Virus là nguyên nhân thường thấy dẫn đến tiêu chảy cấp ở trẻ em

Triệu chứng tiêu chảy cấp ở trẻ

Triệu chứng phổ biến nhất của tiêu chảy cấp là việc trẻ đi tiêu với tần suất cao hơn so với bình thường. Tuy nhiên, tính chất phân cũng như tần suất tiêu chảy của trẻ cần phải được xem xét dựa trên độ tuổi và chế độ ăn uống của trẻ.

  • Đối với trẻ sơ sinh dưới 6 tháng tuổi: Việc đi tiêu bình thường có thể dao động từ 3-10 lần mỗi ngày. Phân của bé thường mềm, có màu xanh lá, vàng hoặc nâu, ngoài ra còn có thể có những hạt nhỏ màu trắng nhạt lẫn trong phân. Khi trẻ đi tiêu vượt số lần bình thường và phân có màu bất thường, nguy cơ trẻ bị tiêu chảy rất cao
  • Đối với trẻ từ 1 tuổi trở lên: Tần suất đi tiêu bình thường ở trẻ là 1-2 lần/ ngày. Nếu vượt quá số lần này và tình trạng phân bất thường như nhiều nước, có mùi hôi tanh thì khả năng cao trẻ bị tiêu chảy cấp.

Ngoài tần suất đi tiêu và tình trạng phân, khi bị tiêu chảy cấp trẻ cũng thường cảm thấy mệt mỏi, quấy khóc thường xuyên, có thể sốt, bị đau bụng, buồn nôn và nôn mửa. Cha mẹ cần theo dõi con để có biện pháp kịp thời cũng như lập kế hoạch chăm sóc trẻ bị tiêu chảy cấp đúng cách để tránh các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.

Hướng dẫn lập kế hoạch chăm sóc & điều trị trẻ tiêu chảy cấp theo phác đồ

Nguyên tắc điều trị theo WHO

  • Bù nước và các chất điện giải: Cần căn cứ vào 3 yếu tố sau để chọn phác đồ bù dịch phù hợp với tình trạng bệnh của bé: mức độ thiếu nước (để xác định phác đồ A hay B hiệu quả), biến chứng (giúp xác định đường bù dịch) và khả năng đường uống thất bại (bệnh nhân không thể hấp thụ đủ chất lỏng và chất điện giải qua đường uống để điều trị mất nước)
  • Xử lý nhanh chóng và chính xác các biến chứng nếu có: Người thân nên theo dõi tình trạng sức khỏe của trẻ, bao gồm tần suất đi tiêu, lượng nước uống, tình trạng tinh thần và triệu chứng khác. Nếu có bất kỳ dấu hiệu nghiêm trọng nào, cần phải can thiệp sớm hoặc đưa trẻ đến cơ sở y tế ngay lập tức.
  • Bổ sung kẽm cho bé trong vòng 14 ngày: Nguyên tố kẽm sẽ giúp hỗ trợ tăng sức đề kháng, củng cố hệ miễn dịch cho trẻ, đồng thời giúp đẩy nhanh quá trình hồi phục cho bé.
  • Duy trì chế độ ăn uống phù hợp: Trẻ nên tiếp tục ăn uống thông thường trong quá trình điều trị, bao gồm sữa mẹ (hoặc thức ăn cho trẻ ăn dặm nếu đã đủ tuổi). Việc duy trì việc ăn uống thường xuyên giúp cung cấp năng lượng và dưỡng chất cần thiết cho trẻ. Bố mẹ cũng có thể tham khảo thêm ý kiến từ các chuyên gia dinh dưỡng để xây dựng chế độ ăn tốt nhất cho trẻ.
Tuân thủ nguyên tắc điều trị của WHO giúp trẻ mau chóng hồi phục

Tuân thủ nguyên tắc điều trị của WHO giúp trẻ mau chóng hồi phục

Các phác đồ điều trị cụ thể

  • Phác đồ A - Điều trị qua đường uống

Đây là phác đồ được sử dụng cho các bệnh nhi không bị mất nước, không có nguy cơ thất bại qua đường uống cũng như không gặp phải các biến chứng khác.

Bố mẹ cần cho bé uống nước dựa trên nhu cầu. Nếu trẻ đang bú mẹ, gia đình có thể tăng dần số lần bú của trẻ trong ngày. Với các bé đã ăn dặm, mẹ có thể bổ sung thêm dung dịch Oresol và các loại nước ép trái cây, nước canh,… Việc bù nước chỉ dừng lại sau khi bé không còn triệu chứng đi ngoài phân lỏng.

Phụ huynh cũng nên tránh cho bé uống các loại nước ngọt và các chất kích thích, có tác dụng lợi tiểu để phòng ngừa tiêu chảy thẩm thấu. Khi bù dịch cho bé, bố mẹ nên cho bé uống theo từng ngụm nhỏ, nếu bé bị nôn thì tạm ngừng khoảng 5 – 10 phút rồi cho bé uống tiếp. Bên cạnh đó, cha mẹ cũng cần cho trẻ bổ sung thêm kẽm để quá trình điều trị diễn ra nhanh chóng.

  • Phác đồ B - Điều trị qua đường uống

Đây là phác đồ điều trị tại cơ sở y tế cho trường hợp trẻ bị tiêu chảy cấp có mất nước nhưng không gặp các biến chứng cũng như không có nguy cơ thất bại đường uống.

Ở phác đồ B, Oresol được sử dụng để điều trị mất nước, đồng thời giúp giảm bớt áp lực thẩm thấu. Trẻ sẽ được bổ sung dung dịch Oresol với liều lượng 75ml/kg trong vòng 4 giờ, sau đó bác sĩ sẽ đánh giá lại tình trạng mất nước của trẻ. Khi cho bé uống, bố mẹ nên đút theo từng thìa nhỏ với các bé dưới 2 tuổi, còn các bé lớn hơn thì cho uống theo từng ngụm nhỏ. Nếu trẻ nôn thì tạm ngừng khoảng 10 phút, sau đó cho uống chậm lại.

Trong trường hợp xuất hiện tình trạng mất nước nghiêm trọng, trẻ sẽ được điều trị theo phác đồ C. Nếu tình trạng mất nước vẫn không thay đổi thì tiếp tục làm theo phác đồ B lần 2. Nếu bé không còn mất nước thì điều trị theo phác đồ A.

  • Phác đồ C - Điều trị qua đường truyền tĩnh mạch

Phác đồ C được áp dụng cho các bé bị mất nước nặng, xuất hiện biến chứng và có nguy cơ thất bại đường uống cao.

Ở phác đồ này, trẻ sẽ được cho truyền tĩnh mạch ngay, trong quá trình chuẩn bị đường truyền, nếu bé vẫn có khả năng uống thì sẽ được bổ sung dung dịch Oresol. Về dịch truyền, bác sĩ sẽ sử dụng dung dịch Ringer Lactate (hoặc dung dịch muối sinh lý) với liều lượng 100 ml/kg. Sau mỗi 15 – 30 phút tiến hành đánh giá tình trạng mất nước của bé.

Trong trường hợp còn mất nước nghiêm trọng, trẻ sẽ được tiếp tục điều trị theo phác đồ C. Nếu tình trạng mất nước đã có cải thiện không có thất bại ở đường uống thì làm theo phác đồ B. Nếu bé không còn mất nước thì điều trị theo phác đồ A và theo dõi ít nhất 6 giờ nữa.

Một số lưu ý chăm sóc trẻ tiêu chảy cấp sao cho đúng

  • Cho trẻ ăn thực phẩm dễ tiêu hóa như cháo, cơm nước, bánh mì nước, trái cây chín và thịt nạc mềm.
  • Đảm bảo trẻ được nghỉ ngơi đủ và có sự nuôi dưỡng cần thiết để phục hồi sức khỏe.
  • Theo dõi tình trạng sức khỏe của trẻ, như số lần tiêu chảy, tình trạng da, tình trạng mắt và miệng, sự sảng khoái, và cảm giác khát.
  • Không tự ý sử dụng thuốc chống tiêu chảy hoặc chất kháng sinh mà không có sự hướng dẫn của bác sĩ.
  • Nếu tình trạng trẻ không cải thiện hoặc có biểu hiện tệ hơn, cha mẹ hãy đưa trẻ đến bác sĩ hoặc cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn chính xác và chăm sóc tốt nhất.

Xem thêm: Cách trị đau bụng tiêu chảy tại nhà đơn giản nhất

Phòng ngừa tiêu chảy cấp ở trẻ

Dưới đây là một số biện pháp mà cha mẹ có thể thực hiện cũng như hướng dẫn trẻ để cùng nhau phòng ngừa tiêu chảy cấp cho con ngay tại nhà.

  • Vệ sinh tay thường xuyên: Tập cho trẻ thói quen rửa tay với xà phòng đúng cách trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh là cách hiệu quả để ngăn ngừa vi khuẩn và virus lây lan. Nước rửa tay Lifebuoy là sự lựa chọn hàng đầu với khả năng tiêu diệt đến 99,9% vi khuẩn, kể cả vi khuẩn biến đổi giúp bảo vệ sức khỏe của bé và gia đình.
  • Sử dụng nước sạch: Đảm bảo nước uống và nước để nấu ăn cho trẻ là nước sạch, tiệt trùng hoặc đun sôi trước khi sử dụng.
  • Đảm bảo thức ăn hợp vệ sinh: Bố mẹ chỉ nên cho bé ăn các loại thức ăn chín, tránh ăn những món ăn tái sống. Ngoài ra, bạn cũng nên hạn chế cho trẻ ăn các món ăn vỉa hè để tránh nguy cơ về vệ sinh an toàn thực phẩm.
  • Cho bé uống sữa mẹ: Nuôi con bằng sữa mẹ sẽ giúp cung cấp kháng thể và chất dinh dưỡng cần thiết để bảo vệ bé khỏi nhiều loại bệnh, bao gồm cả tiêu chảy cấp.

Một số câu hỏi thường gặp

Bé bị tiêu chảy cấp bao lâu thì khỏi?

Thông thường, tiêu chảy cấp ở trẻ nhỏ có thể hết trong khoảng 5 – 7 ngày nếu được điều trị đúng cách. Trong một số trường hợp, tình trạng này có thể kéo dài đến 2 tuần, đặc biệt là với các bé bị nhiễm Rotavirus. Lúc này, bé cần được can thiệp y tế một cách chuyên sâu để điều trị tiêu chảy cấp.

Bị tiêu chảy cấp nên cho trẻ uống thuốc gì?

Với trẻ bị tiêu chảy cấp, bé sẽ được chỉ định bổ sung Oresol để bù nước và các chất điện giải. Ngoài ra, trong một số trường hợp, bác sĩ cũng có thể chỉ định sử dụng thuốc Smecta, các loại thuốc trị tiêu chảy khác tùy theo tình trạng bệnh. Bên cạnh đó, gia đình có thể cho bé sử dụng thêm men vi sinh probiotics để tăng thêm lợi khuẩn trong đường ruột trẻ.

Kết luận

Trên đây là những thông tin về cách lập kế hoạch chăm sóc trẻ bị tiêu chảy cấp cũng như một số biện pháp phòng ngừa căn bệnh này. Vệ sinh tay sạch sẽ đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc bảo vệ trẻ khỏi nguy cơ tiêu chảy cấp cũng như những bệnh lý về đường tiêu hóa nói chung. Ngoài ra, đừng quên truy cập ngay website Lifebuoy để tìm hiểu thêm các kiến thức liên quan nhằm nâng cao sức khỏe của chính bản thân và gia đình trước các bệnh truyền nhiễm bạn nhé!

Những bài viết liên quan

Tay, Chân, Miệng

Tất tần tật về bệnh Tay, Chân, Miệng với các triệu chứng: sốt, phát ban ở gan bàn tay... Những lời khuyên phòng tránh, trong đó cần nên rửa tay thường xuyên.

 

 

 

Read more »

Thải độc da là gì? Bí quyết thải độc da hiệu quả | Lifebuoy

Thải độc da là quá trình loại bỏ các độc tố tích tụ lâu ngày và làm sạch sâu cho da. Độc tố ở đây bao gồm các tác nhân bên trong lẫn bên ngoài ảnh hưởng đến da.

 

 

 

Read more »

Tiêu chảy là gì? Biểu hiện, điều trị & cách phòng bệnh | Lifebuoy

Tiêu chảy là tình trạng rối loạn tiêu hóa thường gặp ở mọi độ tuổi, đặc biệt ở trẻ em. Một số nguyên nhân tiêu chảy thường là do virut, vệ sinh kém.

 

 

 

Read more »